Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5 – 5,5%/năm; giá trị sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 5.600 tỷ đồng. Giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020 (bình quân 150 m3/ha/chu kỳ 10 năm); có ít nhất 20% diện tích (30.000 ha) rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế và phấn đấu đến năm 2030 diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng đạt ít nhất 30% diện tích, tương đương 45.000 ha.
Sở NN&PTNT cho biết, hàng năm diện tích trồng rừng bình quân hơn 19 nghìn ha. Trong đó trồng mới hơn 4,5 nghìn ha và trồng lại sau khai thác gần 14,6 nghìn ha. Rừng trồng mới phần lớn do người dân tự trồng với loài cây Keo là chủ yếu với mục tiêu trồng rừng nguyên liệu dăm gỗ và gỗ nhỏ.
Qua số liệu báo cáo của các địa phương và cơ quan quản lý thì chất lượng rừng trồng trên địa bàn tỉnh còn thấp, năng suất chưa cao. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng bình quân hằng năm đạt khoảng 1,450 triệu m3, năng suất rừng bình quân đạt 70 -75 m3/ha/chu kỳ 5 năm.
Riêng đối với trồng rừng gỗ lớn, với diện tích rừng trồng hiện có (gần 217 nghìn ha) và đất chưa có rừng quy hoạch cho phát trồng rừng sản xuất (hơn 45,5 nghìn ha) thì tiềm năng phát triển trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC của tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt được kết quả rất khiêm tốn. Từ năm 2019 đến nay, tổng diện tích trồng rừng chỉ đạt hơn 2,3 nghìn ha/kế hoạch 10.000 ha. Chủ yếu là người dân tham gia trồng theo Kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn của tỉnh.
Về cấp chứng chỉ rừng FSC, tính đến tháng 5/2022, Quảng Nam có tổng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ là hơn 6,5 nghìn ha. Địa phương đã triển khai đánh giá và cấp chứng chỉ FSC gồm 5 huyện: Tiên Phước, Hiệp Đức, Núi Thành, Phú Ninh và Đại Lộc.
Tại hội thảo, các địa phương, đơn vị đã có nhiều tham luận, đề xuất về giải pháp để phát triển ngành trồng rừng gỗ lớn. Trong đó, tâp trung một số giải pháp như: tuyên truyền nâng cao nhận thức; đẩy mạnh giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích quy hoạch là rừng sản xuất chưa được giao cho tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng gỗ lớn; nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ…